|
Tàu chuyên dụng có hàm lượng khoa học cao - sản phẩm của Cty CP Đóng tàu Sông Cấm |
Sau xử lý nợ, tập trung tái cơ cấu tổ chức, lao động
Trước đó lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng đã xúc tiến và làm việc với các bộ, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm cơ chế tốt nhất để Vinashin tái cơ cấu thành công. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ GTVT (4/10), ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin cho biết: Tổng số nợ của Vinashin khoảng 86.000 tỷ (tương đương với hơn 4 tỷ USD) sẽ cơ bản được giải quyết vào cuối năm 2013.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm Trương Trung Phúc, 9 tháng năm 2013, Công ty đạt 947 tỷ đồng giá trị tổng sản lượng, bằng 75% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu 9 tháng đạt 171 tỷ đồng, đạt hơn 35% kế hoạch năm, tăng 100,2% so với cùng kỳ. Công ty cũng nộp ngân sách Nhà nước hơn 11 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 8,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình sản lượng các tàu thực hiện cả năm đã đạt trên 85% và sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2013. Dự kiến năm 2013, công ty đạt hơn 1.300 tỷ đồng giá trị sản lượng, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 20% so với năm 2012; Doanh thu đạt 483 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và nộp ngân sách Nhà nước 95 tỷ đồng...
|
Cụ thể: Số nợ đã được phát hành trái phiếu trong nước đợt 1 xấp xỉ 12.000 tỷ (bằng 30% khoản nợ) với lãi suất trái phiếu bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ. Riêng khoản nhận nợ bắt buộc gần 200 triệu USD với các nhà đầu tư nước ngoài đã tái cơ cấu xong thông qua việc mua toàn bộ trái phiếu với giá trị dưới 30%. “Gói nợ trong nước còn khoảng 17.000 tỷ đồng Vinashin sẽ phấn đấu trong quý IV năm 2013, chậm nhất quý I năm 2014 xong. Như vậy, hơn 4 tỷ USD nợ sẽ hoàn thành cuối năm nay, chậm nhất là quý 1 năm 2014”, ông Sự khẳng định.
Về khoản nợ 600 triệu USD Vinashin vay các ngân hàng và tổ chức tín dụng quốc tế, ông Sự cho biết, Vinashin đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ này và ngày 10/10 tới đây sẽ phát hành trái phiếu để xử lý khoản nợ.
Ngày 3/10, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác giải quyết chế độ chính sách đối với lao động thôi việc, mất việc. Đây là một Hội nghị hướng dẫn những nội dung mới nhất, đặc thù cho phép áp dụng với Tập đoàn, kết hợp với việc thống nhất những kiến thức cơ bản về luật lao động, làm cơ sở để các đơn vị triển khai có hệ thống và đúng trình tự quy định công tác giải quyết chính sách cho lao động mất việc, thôi việc theo chủ trương tái cơ cấu lao động toàn Tập đoàn trong giai đoạn tới.
Buổi chiều cùng ngày, đại diện 8 doanh nghiệp (DN) đóng tàu được giữ lại và tái cơ cấu toàn diện gồm: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Cam Ranh, Sông Cấm, Thịnh Long, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn đã được lãnh đạo các ban chuyên môn của Tập đoàn CNTT VN hướng dẫn thực hiện Đề án tái cơ cấu đơn vị cụ thể nhiều nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Điểm sáng Sông Cấm
Những ngày vừa qua, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu đã làm việc cụ thể với từng đơn vị được giữ lại sau tái cơ cấu, xác định những phần việc trọng tâm để chuẩn bị cho Tổng công ty đóng tàu sau thành lập mới ổn định, phát triển.
Ngày 5/10, tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá: Dưới tác động suy thoái chung của ngành Đóng tàu thế giới, và bối cảnh đặc biệt tại Vinashin, các DN đều lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, thiếu việc làm, hoạt động cầm chừng, sản xuất kinh doanh tiếp tục thua lỗ. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của Tập đoàn, Công ty Đóng tàu Sông Cấm vẫn từng bước phát triển, doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động, thu nhập bình quân của người lao động tăng đều theo từng năm.
Đặc biệt, trên mặt bằng toàn bộ Tập đoàn CNTT VN (Vinashin) trong tình trạng thiếu việc làm, không có hợp đồng gối đầu cho những năm sau thì Sông Cấm có tới 14 hợp đồng đóng mới, sẽ được bắt đầu thi công trong năm 2014.
Không chỉ ổn định hoạt động sản xuất, việc làm cũng như các chế độ chính sách đối với người lao động cũng luôn được đảm bảo tại đơn vị này. “Đến 30/9/2013, tổng số lao động của công ty là 999 người. Do nhu cầu sản xuất tăng nên trong năm 2013, công ty đã tuyển bổ sung nhân lực tăng hơn 100 người so với năm 2012. Việc làm của người lao động ổn định, đời sống được cải thiện, thu nhập luôn cao hơn năm trước. Không có tình trạng giãn việc, nghỉ chờ việc. Các chế độ của người lao động như lương, thưởng, BHXH, BHYT, bồi dưỡng độc hại luôn được chi trả đúng thời hạn. Công ty cũng đã mua bảo hiểm thân thể 24/24h cho toàn thể CBCNV”, ông Trương Trung Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm, chia sẻ thêm.
“Sự phát triển bền vững của Sông Cấm sẽ là cơ sở, động lực và tạo nên niềm tin để Vinashin triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu thành công”, Thứ trưởng Công nói.
Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và Tập đoàn Vinashin tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc mở rộng quy mô sản xuất Công ty Đóng tàu Sông Cấm trên cơ sở tái cơ cấu Nhà máy đóng tàu Bến Kiền. Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Vinashin khẩn trương chỉ đạo, phối hợp với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm xây dựng phương án chi tiết để tiếp nhận cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị và người lao động của Công ty Bến Kiền, tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu.
“Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cần nghiên cứu sử dụng các nguồn lực hiện có của Công ty Đóng tàu Phà Rừng và Công ty Đóng tàu Bạch Đằng nếu đáp ứng được nhu cầu của Công ty. Các cơ quan tham mưu thuộc Bộ và Tập đoàn Vinashin tập trung, quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu thành công, sớm ổn định và phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ đạo.