TIN TỨCTIN CÔNG TY

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long: Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa

Cập nhật lúc 18:07 06/02/2012
Không chỉ nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và ngành công nghiệp vận tải thủy, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long còn đang dốc sức triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa vào tháng 9/2014. Đây là bước chuyển quan trọng của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu “đóng tàu Hạ Long” ra thị trường thế giới.
Bàn giao tàu kiểm ngư số 2 tại Công ty Đóng tàu Hạ Long

Bàn giao tàu kiểm ngư số 2 tại Công ty Đóng tàu Hạ Long

CôngThương - Hướng tới sản xuất chuyên sâu sau cổ phần hóa

Năm 2013, giá trị sản lượng của Công ty Đóng tàu Hạ Long đạt hơn 1.338 tỷ đồng, tương đương 100,56% kế hoạch, doanh thu đạt hơn 1.449 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch. Cùng với mục tiêu hoàn thành công tác cổ phần hóa vào tháng 9 tới, trong năm 2014 doanh nghiệp (DN) còn phấn đấu bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.000 lao động; đạt giá trị sản lượng hơn 890 tỷ đồng, doanh thu 1.385 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4,8 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Tuấn Anh -Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long - cho biết: Công ty đang hợp tác với Tập đoàn Damen, tập đoàn đóng tàu hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực gia công, chế tạo các loại tàu công suất lớn. Tính đến hết tháng 5/2014, DN đã nhận được hợp đồng đóng mới bốn tàu kéo của Tập đoàn Damen,  đang chuẩn bị bàn giao tàu ôtô số 1 và đóng tiếp bốn tàu vận tải cho chủ đầu tư Venezuela cũng như đàm phán đóng mới hai tàu dịch vụ dầu khí.

Quá trình tái cơ cấu DN cũng đang được đơn vị quyết liệt triển khai, nếu như trong năm 2013, DN đã cắt giảm được 6 đầu mối đơn vị, hoàn thành việc chi trả tạm ứng 70% tiền trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động, năm nay công ty sẽ thực hiện giảm còn 11 đơn vị với 8 đơn vị trực tiếp sản xuất và giữ lại 1.250 lao động. Sau cổ phần hóa (CPH), công ty sẽ hoạt động theo mô hình mới. Các sản phẩm của Đóng tàu Hạ Long sẽ được bảo đảm hơn vì Tập đoàn Damen là đối tác chiến lược và họ sẽ tiếp tục đưa công nghệ quản lý, cũng như phối hợp cùng công ty trong việc đầu tư thiết bị, nhà xưởng, bảo đảm thi công các sản phẩm chất lượng cao. “Tiến trình CPH của công ty nhận được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC), chúng tôi đang quyết liệt thực hiện theo chương trình đã được phê duyệt”- Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Anh  khẳng định.

Sau CPH, công ty sẽ hướng vào sản xuất các sản phẩm chuyên sâu có giá trị gia tăng cao. Trước mắt, DN sẽ chuyên về đóng tàu dịch vụ dầu khí và các sản phẩm yêu cầu chất xám cao, giá trị lớn.

Sẽ không để mất vốn nhà nước

Đến thời điểm này, cùng với tiến trình CPH đã đăng ký với Bộ Giao thông vận tải , công ty cũng đang thực hiện các bước liên quan đến tái cơ cấu người lao động, sử dụng đất sau CPH, chuẩn bị các điều kiện để trình các cấp phê duyệt phương án. Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Anh trăn trở: Trong bối cảnh thị trường vận tải và các đơn hàng đóng tàu đang rơi vào tình trạng khó khăn, thực hiện CPH nếu làm không quyết liệt có thể sẽ dẫn tới tình trạng mất vốn nhà nước. Để thực hiện có hiệu quả công tác CPH, Công ty Đóng tàu Hạ Long sẽ bán cổ phần theo từng giai đoạn và chỉ bán cổ phần chi phối ở thời điểm thuận lợi nhất để đem lại hiệu quả cao cho đồng vốn nhà nước.

Được biết, Công ty Đóng tàu Hạ Long đang xây dựng phương án giải quyết những phần nợ với các ngân hàng thương mại và đã được Chính phủ cho phép tái cơ cấu theo hình thức 30% phát hành bằng trái phiếu và 70% xóa nợ. Các phần nợ còn lại vay của SBIC thì được chuyển về SBIC; nợ của các đối tác cung cấp vật tư thiết bị, nợ của các đối tác đối với công ty cũng được chuyển về SBIC để có những bước xử lý tiếp theo. Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm: “Chung tôi đã có văn bản báo cáo tổng công ty, cơ quan chức năng để có hướng giải quyết”.

Duy Minh
Báo Công Thương