GIỚI THIỆULỊCH SỬ CÔNG TY

 



CÔNG TY ĐÓNG TÀU HẠ LONG 

40 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

Trụ sở Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hạ Long
Trụ sở Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hạ Long
 
   Ngày 4/3/1966, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản số 03/TTG/CN giao cho Bộ GTVT, Cục Cơ khí thuộc Bộ tổ chức nghiên cứu, lập dự án xây dựng Nhà máy đóng mới và sửa chữa phương tiện thuỷ phục vụ vận tải hàng hóa, từng bước nâng cấp đóng mớí và sửa chữa tàu lớn phục vụ quốc phòng và nền kinh tế quốc dân.
     Địa điểm đặt Nhà máy phải đảm bảo ba yếu tố :
1- Thực hiện được phương án bảo vệ trong chiến tranh.
2- Thuận tiện cho vận tải giao thông thuỷ, bộ.
3- Đáp ứng nhiệm vụ chiến lược lâu đài phục vụ phát triển nền kinh thế quốc dân.
   Trung tuần tháng 3/1966, đoàn cán bộ Cục Cơ khí (Bộ GTVT) do ông Nguyễn Trung Hoài - Cục phó dẫn đầu tổ chức thăm dò địa điểm xây dựng nhà máy. Địa điểm được dự kiến là một tỉnh thuộc miền Đông Bắc Tổ quốc. Trong đoàn còn có một số chuyên gia Ba Lan do ông Tomaszewsku làm trưởng đoàn tham gia. Sau một thời gian cân nhắc, địa điểm đặt nhà máy được đệ trình lên Chính phủ ngày 23/4/1966. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 66/TTg-CN duyệt địa điểm xây dựng Nhà máy đóng tàu tại Giếng Đáy, thị xã Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh với diện tích ban đầu là 20 ha đất xây dựng, quy mô công suất đóng mới 20 chiếc/năm và sửa chữa 20 chiếc/năm loại tàu 400 tấn. Sau đó, để đáp ứng với nhiệm vụ mới, Chính phủ quyết định nâng công suất thiết kế của Nhà máy đóng tàu Giếng Đáy từ 400 tấn lên 1000 tấn và yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án thay đổi. Thực hiện chủ trương này Bộ GTVT đã trình lại quy mô của Nhà máy lên thủ tướng chính phủ bằng văn bản Số 2391/KTCB-CN ngày 6/9/1969. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước có văn bản Số 4783/CK ngày 15/10/1969 và tờ trình của Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước Số 279/UB-CT ngày 4/8/1969 về việc duyệt thiết kế sơ bộ Nhà máy đóng tàu GIẾNG  ĐÁY. Về phía Ba Lan đã chuẩn bị phương án thiết kế sơ bộ Nhà máy nâng cao công suất đóng mới tàu từ 400 tấn lên 1000 tấn .
   Ngày 1/11/1969, Quyết định Số 114/TTg của Thủ tướng Chính phủ duyệt bổ sung nhiệm vụ thiết kế nhà máy đóng tàu Giếng đáy như sau:
- Đóng mới 20 chiếc/năm loại tàu cỡ 1.000 tấn,
- Sửa chữa 10 chiếc/năm cùng loại và có thể sửa chữa tàu 2.000 tấn.
- Cấp thêm 10 ha đất cùng địa điểm,
  Văn kiện hợp tác hữu nghị của Chính phủ Việt Nam -Ba Lan được ký năm l969. Ba Lan cam kết viện trợ đồng bộ xây dựng nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển có quy mô theo thiết kế như trên. Đồng thời đón nhận 300 nam nữ thanh niên của Việt Nam vào đào tạo nghề tại Trung tâm công nghiệp đóng tàu Ba Lan.
 
THÀNH LẬP BAN KIẾN THIẾT 213 VÀ CÔNG TRƯỜNG T3
  Ngày 17/6/1969, Bộ GTVT ra Quyết định 1538/QĐ/TC thành lập Ban kiến thiết 213 (BKT 213), trực thuộc Cục kiến thiết cơ bản bộ GTVT, cử ông Ngô Phương - Trưởng ban và ông Nguyễn Văn Thân - Phó ban, có nhiệm vụ nghiên cứu, để xuất phương án tổ chức thi công xây dựng Nhà máy đóng tàu Giếng Đáy. Cùng làm việc với Việt Nam có 12 chuyên Gia Ba Lan do ông Jan-dow-na-ro-wic làm trưởng đoàn.
  Cục công trình II được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm nhà thầu chính. Ông Lê Đình Liệu, Cục phó Cục công trình II kiêm chỉ huy trưởng T3 (Công trường xây dựng nhà máy).
Tháng 3/1971 đóng chiếc cọc bê tông đầu tiên nhà 41.
Tháng 5/1971 đóng cọc ván thép ở triền tàu.
Tháng 7/1971 đóng cọc ván thép trạm thử tàu.
  Cuối tháng 12/1971 búa đóng cọc KPF được chuyên gia đưa sang đóng cọc móng đường ray cần trục triển Q20/13, đường xe triền.
  17 giờ ngày 10/5/1972 đúng giờ tan ca, nhiều tốp máy bay Mỹ bất ngờ lao xuống cắt bom, bắn phá công trường. 3 đồng chí đã hy sinh và 5 đồng chí khác bị thương. Trước tình hình chiến tranh đánh phá của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, Đảng uỷ BKT 213 và T3 thống nhất tạm ngừng thi công, chỉ giữ lại lực lượng xung kích tình nguyện còn lại sơ tán triệt để, cùng thiết bị, vật tư về kho Vạn Nho, Biểu Nghi (Yên Hưng) cách địa điểm nhà máy 10 – 20 Km. Đồng thời các chuyên gia Ba Lan tạm về nước.
  Những năm tháng chiến tranh, máy bay Mỹ đánh phá vào công trường T3 và vùng lân cận tổng cộng 22 trận bom. Công trình T3 sau một năm tạm ngừng, đầu năm 1973 lại tiếp tục được thi công với nhịp độ khẩn trương hơn, phân bổ trên các phần việc:
- Phần thuỷ công có 3 hạng mục: Âu triền, cầu tàu, trạm thử.
- Phần kiến trúc: 23 hạng mục chia làm ba hệ chính: Hệ vỏ, Hệ máy; Hệ thống trang trí.
Ngày 6/3/1974 Bộ GTVT ra Quyết định số 645 QĐ/TC giao cho Cục Cơ khí thành lập Ban chuẩn bị sản xuất và lắp máy, gọi tắt là ''Ban chuẩn bị sản xuất Hạ Long'', trực thuộc Cục Cơ khí. Ông Nguyễn Văn Thân được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban. Đồng thời quyết định thu nhận toàn bộ công nhân học tập ở Ba Lan về Ban chuẩn bị sản xuất.
GIAI ĐOẠN 1976 – 1985 
Ngày 15/11/1976, Bộ GTVT ra quyết định thành lập Nhà máy đóng tàu Hạ Long.
Từ đầu năm 1977, nhà máy đưa 2 sà lan 500T và 1500T (Chiến lợi phẩm thu hồi của hải quân Mỹ) thuộc trung đoàn 649 (Hải quân Việt Nam) vào sửa chữa.
Chiếc tàu đẩy 135 CV đầu tiên (toàn bộ máy, thiết bị lắp đặt tôn vỏ tàu đều do Liên Xô cung cấp) cũng được hoàn thiện và bàn giao. Tiếp theo đó, các năm 1978, 1979, l980, Nhà máy đã lần lượt cho xuất xưởng 15 chiếc tàu đẩy cùng loại và triển khai đóng tàu VIỆT BA 01 đáp ứng nhu cầu vận tải của các công ty vận tải đường sông của Bộ GTVT, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam Ninh. Khách hàng đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả của tàu đẩy 135CV do nhà máy Đóng tàu Hạ Long sản xuất. Ngoài chỉ tiêu đóng mới, Nhà máy còn hoàn thiện 30 sản phẩm sửa chữa gồm các đoàn sà lan, tàu Hàm Luông trọng tải 1.400T của Công ty vận tải biển Việt namBên cạnh những cố gắng về sản xuất kinh doanh, lãnh đạo nhà máy cũng đã có sự quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo lực lượng, chuẩn bị những điều kiện phát triển sản xuất sau này và chăm lo phúc lợi cho người lao động.
Tháng 6/1984 Giám đốc Nhà máy Phạm Đức Uông về Hà Nội nhận công tác mới, Giám đốc kế nhiệm là đồng chí Ngô Đình Quý được trên cử về thay. Chỉ tính trong 5 năm (1981 - 1985), Nhà máy đã có tới 25 sản phẩm đóng mới(trong đó có 15 chiếc tàu đẩy 135CV), 200 sản phẩm sửa chữa và đóng mới phục vụ binh chủng Hải quân. Đó là sự đóng góp thiết thực của Nhà máy đóng tàu Hạ Long cho nền kinh tế quốc dân và phục vụ quốc phòng, bảo vệ đất nưởc.
Thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý hành chính tập trung bao cấp sang Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình tổ chức, hoạt động của Nhà máy được điểu chỉnh. Lãnh đạo Nhà máy đã đề ra chủ trương vượt qua mọi khó khăn, tạo công ăn việc làm và thích ứng với sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường. Ngoài các sản phẩm đóng mới đang thực hiện như tàu Việt Ba 04, chuẩn bị hoàn thiện bàn giao tàu Quảng Ninh Ship, bàn giao 2 sà lan 400T và 14 sà lan 200T cho các Công ty vận tải đường sông Hải Phòng, Quảng Ninh, Nhà máy đóng tàu Hạ Long còn sửa chữa tàu vận tải 200- 400T của các công ty, các tư thương mới xuất hiện ở Hải Phòng, Hà Nam Ninh và các tỉnh phía nam. Một loạt các cuộc họp của lãnh đạo Nhà máy đóng tàu Hạ Long với các cơ quan Trung ương nhằm thương lượng tiến tới mở rộng liên doanh liên kết. Đầu tiên với Viện chăn nuôi Hà Nội, hai bên góp vốn đóng tàu 650T đặt tên tàu Liên Kết, mục đích vận tải lương thực, hàng hoá tuyến Bắc - Nam phục vụ chăn nuôi và kinh doanh; Công ty liên doanh với công ty vận tải Hải Hưng dưới hình thức nhà máy đóng tàu Hạ Long cung cấp sản phẩm công nghiệp như: máy tuốt lúa, cuốc, xẻng, răng bừa, thép truốt xây dựng dân dụng... và đổi lại là lương thực.

GIAI ĐOẠN 1985 – 1995
Trong 5 năm 1986 - 1990 đã có 46 sản phẩm đóng mới36 phương tiện sửa chữa chủ yếu là nâng cấp. Trong quá trình sản xuất kinh doanh đã có 305 sáng kiến, 27 cải tiến hợp lý hoá sản xuất làm lợi cho nhà nước hàng tỷ đồng. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tặng 43 bằng lao động sáng tạo cho những cá nhân đạt thành tích.
Tháng 9/1991 Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà máy lần thứ 9 được tiến hành, bầu Đảng uỷ mới gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Sỹ Hào giữ chức Bí thư, đồng chí Ngô Đình Quý giữ chức Phó Bí thư kiêm Giám đốc nhà máy.
Tháng 5 năm 1992 đồng chí Ngô Đình Quý được Bộ BTVT điều về làm Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp đóng tàu Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc được giao nhiệm vụ Giám đốc nhà máy.
Trong 5 năm 1990 - 1995 Nhà máy đã hoàn thành 126 sản phẩm các loại gồm sà lan 200T, 400T, 1000T, tàu vận tải 200T, 400T, 600T, 1000T, 3000T, sửa chữa 224 phương tiện đủ chủng loại từ đơn giản là sà lan 200T đến phương tiện hiện đại như tàu Kỳ Vân của Tổng công ty Dầu khí. Trong đó đặc biệt quan trọng là việc chế tạo thành công một loạt tàu chở hàng đa năng 1000 tấn cho Bộ Tư lệnh Hải quân mang tên Trường Sa 01, 02, 04, 05, 06, 08 và 10 góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc.
GIAI ĐOẠN 1996 – 2006
Cùng với phong trào ''Uống nước nhớ nguồn'', đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt nam Anh hùng trong cả nước, Nhà nay đóng tàu Hạ Long nhận nuôi dưỡng suốt đời mẹ Thái Thị Môn, thôn 3, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tháng7/1996 đoàn cán bộ Nhà máy đại diện cán bộ công nhân do đồng chí Chủ tịch Công đoàn, Phó giám đốc Nhà máy làm trưởng đoàn về thăm hỏi, động viên, tặng quà, bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng mẹ về những hy sinh, công lao đóng góp cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Năm 2015 mẹ Môn mất công ty tiếp tục nhận mẹ VNAH Thái Thị Cước cũng tại Quảng Nam phụng dưỡng suốt đời.
Tháng 01/1996, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt nam thành lập. Nhà máy đóng tàu Hạ Long là một trong những đơn vị đầu tiên có đủ cơ sở vật chất tham gia với vai trò làm nòng cốt cho sự phát triển của một ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.
Tháng 8/1996 Nhà máy tiến hành đại hội đại biểu Đảng bộ nhà máy lần thứ XI nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trên vào hoàn cảnh thực tại của nhà máy. Đại hội đã bầu ban chấp hành Đảng bộ mới với 11 đồng chí, cử đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc giữ chức Bí thư kiêm Giám đốc nhà máy.
Nghị quyết Đại hội đã đề đa phương hướng: “Tiếp tục khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII, nắm chắc thị trường, xây dựng cơ cấu sản phẩm hợp lý, kết hợp các loại sản phẩm lớn - vừa - nhỏ, tranh thủ thời cơ mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, triển khai thành công dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy để đóng và sửa chưa tàu 30.000 DWT trong giai đoạn I và đà tàu 50.000 T giai đoạn II...''.
Đầu năm 2000, Nhà máy tiếp nhận nhiều hợp đồng đóng mới như: Ụ nổi 8.500DWT của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt nam, tàu hàng 1.400DWT mang tên Ngân Hà 36 của Doanh nghiệp tư nhân Hải Phòng, tàu vận tải 950 DWT mang tên Thành công 07 của Doanh nghiệp thương mại dịch vụ Long Thành (Thái Bình), tàu chở khí hoá lỏng 2.500 m3 và  6.300 DWT số 1 của VINASHIN, đồng thời hoàn thiện gấp tàu chở dầu 3.500DWT.
Tháng 7 năm 2000 Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt nam điều động Giám đốc Nguyễn Hữu Ngọc và Phó Giám đốc Trần Hữu Nhũ về nhận nhiệm vụ mới ở Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam và bổ nhiệm Phó Giám đốc Nguyễn Đức Thận nhận chức Giám đốc nhà máy.
Ngày 7/7/2001 đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thưởng trực Chính phủ (nay là Thủ tướng Chính phủ) cùng đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về thăm kiểm tra tình hình nhà máy. Đoàn đã kiểm tra sản xuất, gặp gỡ công nhân, tiếp xúc với lãnh đạo nhà máy. Sự kiện này đã tạo thêm niềm vui, phấn khởi cổ vũ cán bộ công nhân hăng say sản xuất.
Trong những năm 1996 - 2001 tuy khó khăn vẫn còn, song hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy đã đạt được những thành tích đáng kể. đóng mới 47 sản phẩm các loại trong đó có tàu vận tải 3.500DWT, Ụ nổi 8.500DWT, tàu chở khí hoá lỏng 2.500m3 là những sản phẩm lớn hiện đại và sửa chữa 195 phương tiện, chất lượng, kỹ mỹ thuật mỗi ngày một tốt hơn được khách hàng tin cậy. Quá trình sản xuất có 157 sáng kiến, 31 cải tiến hợp lý hoá sản xuất làm lợi cho nhà nước 14 tỷ đồng. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tặng 48 bằng lao động sáng tạo, nhiều bằng khen, giấy khen cho tập thể và cán bộ công nhân nhà máy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà máy lấn thứ XIII (2001- 2003) đã đưa ra phương hướng: ''Giữ vững ổn định về mọi mặt đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần IX: Tập trung chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, hiện đại hoá một số khâu then chốt trong chế tạo, chú trọng công nghệ đóng tàu và sửa chữa tàu, đặc biệt là các loại tàu lớn, tiếp tục khai thác mọi tiềm năng sẵn có để phát triển sản xuất kinh doanh từng bước nâng cao đời sống CBCNV, tranh thủ thời cơ triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy để đóng mới và sửa chữa tàu tới 5 vạn tấn, củng cố và đưa công tác xây dựng Đảng, đoàn thể vào nề nếp, từng bước xây dựng nhà máy trở thành một trong những trung tâm công nghiệp tàu thuỷ lớn nhất phía Bắc góp phần xây đựng Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt nam thành tập đoàn kinh tế vững mạnh''.
Sau khi đóng thành công tàu 6.300DWT và triển khai đóng tàu 12.000 DWT, bước vào năm 2002 Nhà máy tiếp tục khởi công đóng mới 02 tàu chở container 1016TEU B183-08 và B183-09 cho Chủ tàu là Công ty vận tải Biển Đông. Kinh phí của hai con tàu này là một phần gói tín dụng 70 triệu USD mà Chính phủ Ba Lan cho Việt Nam vay để đầu tư phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy Việt nam.
Ngày 11/12/2002 Nhà máy đã hạ thuỷ thành công tàu 12.000DWT mang tên VINASHIN STAR (Ngôi sao Vinashin). Đây là con tàu có tải trọng lớn nhất vào thời điểm này được đóng tại Nhà máy đóng tàu Hạ Long, nó có một ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vị thế của Nhà máy đủ trí và lực làm chủ khoa học, công nghệ để đóng những con tàu lớn hàng vạn tấn.
Thực hiện nghị quyết của Ban bí thư Trung ương và Ban tổ chức Trung ương thành lập Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt nam theo ngành dọc trực thuộc Đảng uỷ khối cơ quan kinh tế trung ương. Đây là bước kiện toàn tổ chức Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3 khoá IX. Với quyết định này, Đảng uỷ Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam có điều kiện tập trung các đầu mối Đảng uỷ các cấp nhằm có sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung phát huy nội lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đối với ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam. Ngày 3/7/2003, Đảng bộ Nhà máy từ chỗ trực thuộc Đảng bộ thành phố Hạ Long đã chính thức chuyển về trực thuộc Đảng bộ Tổng công ty CNTT.
Ngày 12/5/2003, Nhà máy đã tổ chức bàn giao tàu 12.000DWT Vinashin- Star cho Công ty vận tải Viễn dương Vinashin. Tàu được vinh dự gắn biển: ''Công trình chào mừng 40 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh và 10 năm thành lập thành phố Hạ Long''. Ngày 28/10/2003, Nhà máy đã hạ thuỷ thành công tàu Container 1016TEU B183-08 mang tên Vinashin Mariner và tàu Navigator. Đây là con tàu đạt được nhiều cái nhất:
- Tàu lớn và hiện đại nhất lần đầu tiên được chết tạo tại Việt Nam.
- Chất lượng thi công vỏ tàu và hình thức đẹp nhất tính đến thời điểm này của Nhà máy.
- Tàu có giá trị lớn nhất cho đến thời điểm này (hơn 19 triệu USD).
Thành công của con tàu Container đánh dấu một sự hợp tác, tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam – Ba Lan, đặc biệt sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà máy đóng tàu Hạ Long với Công ty thương mại Senzin và Nhà máy đóng tàu SZCZEZCIN. Với những thành tựu đạt được. Nhà máy đã xây dựng được vị thế, tạo dựng được niềm tin của thương hiệu VINASHIN đối với khách hàng trong nước và quốc tế.
Ngày 21/8/2003, Nhà máy đã ký hợp đồng đóng mới loạt tàu hàng 12.500DWT cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Đây là niềm phấn khởi nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn cho CB CNV nhà máy. Kinh tế nước ta đang hội nhập với nền kinh tế thế giới, Việt Nam tham gia vào Tổ chức kinh tế khu vực AFTA và đang xúc tiến để ra nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO đòi hỏi các sản phầm càng khắt khe hơn về chất lượng, đảm bảo tiến độ thi công, giá thành phải có tính cạnh tranh. Với nỗ lực rất lớn, nhà máy đã xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chất lượng và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ ISO 9001 – 2000.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày đầu năm 2004 tại triển lãm quốc tế về công nghệ đóng tàu – hàng hải và vận tải VIETSHIP (từ 25-28/2/2004) Tổng Công ty đã ký hợp đòng đóng 15 tàu chở hàng trọng tải 53.000 DWT với công ty Graig Investments Ltd của Vương quốc Anh. Theo sự phân công của Tổng Công ty, Nhà máy sẽ đóng 11 tàu 53.000 DWT. Đây là bước ngoặt quan trọng. là cơ hội lớn và cũng là thử thách trong quá trình khẳng định sự trưởng thành và phát triển lớn mạnh vượt bậc của Nhà máy cũng như của ngành đóng tàu Việt nam.
- Ngày 14/2/2004, Nhà máy vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm.
- Ngày 10/2/2004  bàn giao tàu Thuận Phước 6.500DWT.
- Ngày 11/8/2004 đã diễn ra 3 sự kiện lớn trong một buổi sáng : 7h 00 Nhà máy tổ chức hạ thủy thành công tàu Tây Sơn 1 – 12.500 DWT, tiếp tục đặt ky tàu Tây Sơn 2 (HL09) thế vào vị trí con tàu vừa hạ thủy. Sau đó tiếp tục tổ Chức bàn giao tàu container 1016 TEU số 1 mang tên Vinashin Mariner tại Cảng nước sâu Cái Lân. Con tàu vinh dự dược các đồng chí lãnh đạo Tổng Công ty CNTT Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh gắn biển ''Công trình chào mừng 50 năm giải phóng khu mỏ Quảng Ninh''.
- Ngày 7/9/2004  Nhà máy vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về thăm.
Đúng vào ngày kỷ niệm 28 năm ngày thành lập Nhà máy (I5/11/1976 - 15/1/2004), Nhà máy đã hạ thuỷ thành công tàu Tây Sơn 2 – 12.000DWT và đặt ky tàu Tây Sơn 4 – HL11. Ngày 9/2/2004, Nhà máy bàn giao tàu tây Sơn 1 và đặt ky tàu 12.500DWT HLI2. Thời gian sản phẩm sau nhanh hơn, đẹp hơn sản phẩm trước. Chưa bao giờ ở Việt Nam trong một nhà máy đóng tàu lại có mật độ tàu ra đời nhanh đến thế, điều đó chứng tỏ năng lực đóng tàu của Nhà máy đã được nâng lên rõ rệt.
Năm 2004 với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ công nhân viên chức, lao động, nhà máy đã hoàn thành xuất sắc toàn diện vượt mức kế hoạch đề ra, kết quả sản xuất kinh doanh cao gấp 1,4 lần năm 2003, đời sống người lao động ổn định và không ngừng được nâng cao.
Ngày 29/01/2005, Nhà máy đã tổ chức khởi công đóng đồng loạt 3 tàu 53.000 DWT trong seri 9 chiếc tàu ký với Chủ tàu Anh Quốc.
- Ngày 16/2/2006 – Đặt ky đóng mới tàu 53.000 DWT HL-01
- Ngày 25/6/2005 - Khởi công đóng mới tàu 53.000 DWT HL-02
- Ngày 29/9/2005 - Khởi công đóng tàu 53.000 DWT HL-04
- Ngày 16/6/2005, Nhà máy động thổ khởi công xây dựng đà bán ụ 70.000T để chuẩn bị đóng tàu 70.000 DWT - 100.000 DWT.
Tổng kết năm 2005, Nhà máy là một trong các đơn vị dẫn đầu Tổng Công ty, với giá trị tổng sản lượng đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2006 Nhà máy được Tổng Công ty giao kế hoạch sản xuất kinh doanh với giá trị tổng sản lượng rất lớn: 1.350 tỷ, doanh thu 1.250tỷ. Chủ trươngcủa công ty là “Phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục khai thác mọi tiềm năng thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện theo tinh thần nghị quyết Trung ương. Nắm chắc thị trường, xây dựng cơ cấu sản phẩm hợp lý. Tranh thủ thời cơ, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, khẩn trương triển khai và hoàn thành dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy để đóng tàu có trọng tải lớn đến 70.000 DWT. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các quy chế quản lý sản xuất kinh doanh theo điều lệ và luật doanh nghiệp Nhà nước. Bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và các chính sách với Nhà nước, từng bước nâng cao đời sống CB.CNV ...''
Đầu năm 2006, Nhà máy đã bàn giao tàu Lan Hạ cho Công ty Vosco của Vinalines. Đến ngày 24/3 cẩu cổng 300 tấn đã cẩu mã hàng đầu tiên, góp phần đẩy nhanh tiến độ hạ thuỷ tàu 53.000 DWT. Đảng bộ Nhà máy đã tổ chức gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đúng vào ngày hạ thuỷ tàu 53.000DWT số 1 (06/4/2006) với sản phẩm lớn: Tàu 53.000DWT, đà tàu 50.000 DWT và cổng trục sức nâng 300 tấn. Sau khi hạ thuỷ tàu 53.000 DWT số 1, Nhà máy tiếp tục đặt ky tàu 53.000 DWT số 02.
- Ngày 06/7, đặt ky tàu chở container 1.730 TEU - BI70 -V.
- Ngày 13/7, khởi công đóng tàu 53.000DWT- HL 05. Đến thời điểm này Nhà máy đồng thời thi công 04 tàu 53.000DWT, tàu chở container, tàu 12.500DWT và tàu 8.700DWT. Với khối lượng công việc rất lớn, Ban Giám đốc đã tổ chức sản xuất hợp lý đạt hiệu quả cao nhất và tiếp tục ký hợp đồng đóng mới 08 tàu chở ô tô xuất khẩu, ký đóng mới tàu 12.500 DWT cho Công ty VINASHIP.
Để thực hiện thắng lợi các hợp đồng đã ký, Nhà máy đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản, dự án nâng cấp năng lực đóng tàu 53.000DWT, đẩy mạnh dự án đóng tàu 70.000 DWT với các hạng mục cơ bản: Đà bán ụ 70.000T, cẩu 80T, cổng trục 400T, bãi lắp ráp, dây chuyền sơ chế tôn, dây chuyển chế tạo phân tổng đoạn phẳng, các loại máy hàn tự động, máy cắt CNC Plasma các loại... tập trung sắp xếp kiện toàn bộ máy quản lý, đào tạo bồi dưỡng bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng thêm nguồn nhân lực, thành lập thêm phân xưởng mới…
GIAI ĐOẠN 2007 - 2017
Hoà cùng công cuộc đổi mới chung của cả nước, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Năm 2007, Nhà máy Đóng tàu Hạ Long chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con và đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên đóng tàu Hạ Long với 07 đơn vị thành viên.
Trong giai đoạn này, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế bắt đầu lâm vào khủng hoảng, lạm phát, giá cả tăng cao, việc huy động vốn phục vụ cho sản xuất và đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu đóng tàu trên thế giới và trong nước suy giảm mạnh. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, CNLĐ Công ty Đóng tàu Hạ Long đã chung sức đồng lòng vượt khó khăn thách thức hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công ty đã đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp phục vụ sản xuất kinh doanh. Các dự án đầu tư cơ bản đã được hoàn thành: đà tàu 50.000T, đà bán ụ 70.000T, dây chuyền làm sạch và sơ chế tôn, nhà phun sơn tổng đoạn, dây chuyền tự động chế tạo phân đoạn phẳng, cần cẩu 80T, 120T, 300T, 400T, cầu tàu, nạo vét luồng... Công ty đã đóng mới bàn giao những sản phẩm trọng điểm có tải trọng lớn, yêu cầu kỹ thuật cao cho ngành vận tải biển trong nước: tàu chở container 1016TEU (02 chiếc), tàu chở hàng 12.500 tấn(10 chiếc); xuất khẩu tàu chở hàng 53.000T (07 chiếc), tàu chở gỗ 8.700T xuất khẩu cho Nhật Bản (03 chiếc) và đặc biệt Công ty đã chế tạo thành công 02 tàu chở ô tô 4900 xe xuất khẩu cho Israel. Đây là loại tàu đặc chủng với trang thiết bị hiện đại và tự động hóa cao, rất ít quốc gia trên thế giới chế tạo thành công sản phẩm này, nó đã đi vào lịch sử của ngành đóng tàu Việt Nam. Với những sản phẩm đã và đang đóng mới tại Công ty đóng tàu Hạ Long, Công ty được Tập đoàn đánh giá là đơn vị dẫn đầu Tập đoàn về tấn trọng tải.
Năm 2010, đây là thời điểm Tập đoàn Vinashin lâm vào khủng hoảng. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin. Đảng bộ Công ty đã lãnh đạo cán bộ đảng viên đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mỗi cá nhân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty. Bên cạnh đó, Công ty Đóng tàu Hạ Long còn chấp hành sự điều động cán bộ để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị bạn góp phần thực hiện tái cơ cấu thành công.
Ngày 3 tháng 10 năm 2014 đồng chí Nguyễn Tuấn Anh được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty theo Quyết định số 788/QĐ-CNT Tổng công ty CNTT. Đây là giai đoạn tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Vinashin, với rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng, song đó cũng là cơ hội để công ty đóng tàu Hạ Long thể hiện và khẳng định mình về trình độ tay nghề, cũng như sự mở rộng quan hệ hợp tác đối với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn đóng tàu Đamen, hàng loạt các seri tàu hợp tác với Tập đoàn Đamen đã được đóng mới như seri tàu kéo ATD 2412, xà lan cẩu 3216, tàu chở quân RoRo 5612, tàu dịch vụ dàu khí PSV 3300; tàu Kiểm ngư KN 2011…
Công ty tiếp tục đẩy thực hiện đề án tái cơ cấu của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Trong đó quan trọng là sắp xếp tổ chức lại bộ máy các phòng ban, phân xưởng trực thuộc Công ty, tái cơ cấu lại (sáp nhập, giải thể, chuyển nhượng cổ phần) các công ty thành viên, sắp xếp lại đội ngũ lao động cho phù hợp với tình hình thực tế, tinh giảm bộ máy quản lý và cắt giảm cần thiết lao động dôi dư. Tập chung giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy trình, quy định, không có kiện tụng vượt cấp, đảm bảo đầy đủ các chế độ cho người lao động.
Về công tác xúc tiến thị trường trong giai đoạn hiện nay công ty đã tiếp xúc và làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ quốc phòng, các chủ đầu tư: Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển để xúc tiến triển khai các tàu kiểm ngư cỡ lớn KN-2011, các tàu kiểm ngư cỡ nhỏ, các tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn xa bờ (SAR), các tàu cảnh sát biển đa năng cỡ lớn (DN-4000, DN-6000). Đối với thị trường gia công tàu xuất khẩu theo chương trình hợp tác chiến lược với đối tác Damen, Công ty đã cùng với Damen tiếp xúc các khách hàng, đàm phán khả năng nhận gia công 04 vỏ tàu kéo ASD 2411, tàu chở quân RoRo 5612, 01 tàu dịch vụ dầu khí PSV 3300. Mở rộng với thị trường đóng và sửa chữa tàu cho khách hàng Hải quân Mỹ, nhận thấy đây là thị trường rất tiềm năng, ổn định lâu dài nên Công ty đã cùng với Tổng công ty CNTT tiếp cận khách hàng Mỹ - Tập đoàn Oshirak Group International để xúc tiến nhận sửa chữa tàu cho hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ, cũng như khả năng đóng mới một số tàu dịch vụ, tàu bệnh viện cho Hải quân Mỹ trong tương lai, công tác này hiện đang tiến triển khả quan. Đối với tàu cá và các tàu khác trong thị trường nội địa: Căn cứ vào phạm vi thị trường được Tổng công ty phân bổ, Công ty đã tiếp xúc với tất cả khách hàng ngư dân ở các địa phương Quảng Yên, Vân Đồn, Hạ Long, Uông Bí, hướng dẫn ngư dân trong việc làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng, tuy nhiên hiện nay còn nhiều vướng mắc về thủ tục vay vốn nên số tàu triển khai được chưa nhiều. Ngoài ra, Công ty còn tăng cường tiếp xúc với các khách hàng khác như: Công ty CP Du thuyền 5 sao, Công ty CP Khách Sạn Mường Thanh Hạ Long, Công ty Vinpearl Hạ Long để xúc tiến đóng các tàu du lịch, tàu chở khách...

PHẦN KẾT
 Lịch sử phát triển của nhà máy Đóng tàu Hạ Long đã trải qua 10 năm xây dựng (1966 -1976) và 40 năm ngày truyền thống (1976 – 2016).
Ra đời trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nhà máy đóng tàu Hạ Long đã có một lớp người dũng cảm trong lao động, không quản ngại hy sinh đã xây dựng lên Nhà máy bằng trí tuệ và nhiệt tình cách mạng. Lớp cán bộ và công nhân đương thời luôn biết ơn sự cống hiến, hy sinh cao cả của các lớp thợ đàn anh ấy và cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Balan dành cho nhân dân Việt nam mà trực tiếp là Nhà máy đóng tàu Hạ Long với 10 năm vượt qua mọi khó khăn thử thách (1966 – 1976), để xây dựng thành một cơ sở vật chất khang trang như ngày hôm nay.
Chặng đường 40 năm truyền thống của Nhà máy đóng tàu Hạ Long là chặng đường của 4 giai đoạn:
          Mười năm đầu (1976 – 1986): Là sản xuất trong cơ chế kế hoạch hóa, phù hợp với nề kinh tế của đất nước mới thống nhất, vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đã tạo dựng được những cơ sở vật chất, trau dồi tay nghề, đặt nền móng cho quá trình phát triển.
          Mười năm tiếp theo (1986 – 1996): Là thời kỳ sản xuất để tự khẳng định mình trên cơ sở xóa bỏ dần bao cấp bước vào cơ chế thị trường. Sự lúng túng mà đơn vị đã gặp trong thời kỳ này là thực trạng chung của nền kinh tế đất nước. Nhưng Nhà máy bước đầu đã tạo dựng nên nền tảng vững chắc để bước vào cơ chế thị trường.
          Mười năm sau (1996 – 2006): Là thời kỳ tự chủ sản xuất bước vào thị trường cạnh tranh và vươn ra quốc tế để hội nhập. Sự phát triển và trưởng thành của đơn vị gắng liền với sự phát triển của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Sản phẩm của Nhà máy đóng tàu Hạ Long mang thương hiệu của một nhà máy hàng đầu trong ngành đóng tàu Việt nam là kết quả của quá trình xây dựng và phát triển của toàn ngành, là kết quả thực hiện thắng lợi sự đổi mới nền kinh tế đất nước, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
         Mười năm gần đây (2007 - 2016) : Trong giai đoạn này, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế thế giới bắt đầu lâm vào khủng hoảng, lạm phát, giá cả tăng cao, việc huy động vốn phục vụ cho sản xuất và đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu đóng tàu trên thế giới và trong nước suy giảm mạnh. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, CNLĐ Công ty Đóng tàu Hạ Long đã chung sức đồng lòng vượt khó khăn thách thức hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công ty đã và đang nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc công nghiệp, tập trung cao độ trong việc nâng cao năng suất lao động, quản lý, định mức lao động cho phù hợp sát thực với thực tế công việc và khả năng lao động hiện có. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của chủ hàng trong nước và quốc tế. Tăng cường việc bảo quản thiết bị máy móc, thực hiện các biện pháp để tiết kiệm vật tư, năng lượng và định mức công trên các hạng mục sản phẩm. Thực hiện tốt công tác an toàn trong lao động sản xuất và xây dựng một môi trường làm việc Xanh – sạch – đẹp
          Nhắc lại những chặng đường đã qua mới thấy hết những gì mà Nhà máy đóng tàu Hạ Long đã phải bươn trải, phấn đấu để tồn tại và phát triển ngày càng bền vững. Với 40 năm, chặng đường tuy chưa dài nhưng đó là thành công của một tập thể dũng cảm, đoàn kết, biết phát huy tối đa nội lực sẵn có để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. 40 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ công nhân viên đã thực hiện đúng câu nói tổng kết của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong ngày về thăm và làm việc với Nhà máy: “..Đã táo bạo cần táo bạo hơn nữa, đã tăng tốc cần tăng tốc hơn nữa ..”. Hạ long đã thể hiện đúng cái chất của một cơ sở sản xuất công nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà máy đóng tàu Hạ long, một đơn vị trong suốt bề dày phát triển đã công hiến hết mình cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó cũng là mong muốn của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước dành cho Tập đoàn Vinashin trong đó có Nhà máy đóng tàu Hạ Long, những niềm tin, nỗi khát vọng chinh phục biển cả và sự ủng hộ to lớn nhằm đưa mọt ngành công nghiệp nặng xứng đáng với tầm của một quốc gia có hơn 3.000 km bờ biển./.
 
Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
DỰ ÁN TIÊU BIỂU
Chiều dàiLmax=
31.76
m
Chiều rộngB=
10.30
m
Chiều caoH=
5.00
m
Hạ thủy tàu PSV 3300 số 1
Thiết kế web: OnIP™